Thursday, September 21, 2017

Captive and Temporal
Nguyễn Tiên Hoàng 
(Vagabond Press, Sydney, 2017)


Bài giới thiệu của Pam Brown, đọc nhân buổi ra mắt sách tại Trường Đại học Sydney, 8 tháng 9, 2017

Translated into Vietnamese by Quang Hominh


Sinh năm 1956 ở Đà Nẵng, Việt Nam, Nguyễn Tiên Hoàng nhận học bổng Colombo Plan, qua Úc du học năm 1974. Hoàng từng làm việc với đài phát thanh Radio Australia và sau đó trong ngành kỹ thuật tin học. Trong hơn 30 năm, Hoàng viết dưới bút hiệu Thường Quán, cộng tác rộng rãi với nhiều tạp chí văn học lớn ở Việt nam, Hoa kỳ và Úc. Hoàng vẫn giữ liên hệ chặt chẽ với văn giới trong nước Việt Nam và đã dịch nhiều thơ sang tiếng Việt. Gần đây, anh mới hoàn tất biên soạn một tập thơ từ ba nhà thơ Việt, ấn hành với Vagabond Press Asia Pacific Poetry Series, vừa ra mắt giữa tháng 8, 2017 tại Sydney.

Năm 2012, Vagabond Press xuất bản tập thơ khổ nhỏ (chapbook) Years, Elegy của Hoàng trong Loạt Thơ Rare Object. Vài năm trước, năm 2014, sáu bài thơ trong tập Captive and Temporal được chọn vào tuyển tập Những Nhà Thơ Á Úc Đương Đại (Contemporary Asian Australian Poets), do Adam Aitken, Kim Boey và Michelle Cahill đồng biên tập.

Thơ Hoàng nhuộm đầy những hình ảnh, đôi khi 'siêu thực' hay dường như đến từ trong mơ. Và mơ với những ngôn ngữ khác nhau. Michael Brennan, với Vagabond Press, nhận xét: "Thơ Hoàng triển khai từ những mảnh vỡ ngôn từ, qua những ảnh hình, đưa đến một cảnh quan dùng một ngôn ngữ đã được 'lựa chọn' cho thích ứng với những giằng co và trải nghiệm."

Hoàng giải thích: 'Cảnh quan nơi tôi 'vào' thường quyết định thứ ngôn ngữ được chọn. Rất có thể nó là một tổng hợp những cảnh quan nhìn thấy và cảnh quan khơi dậy từ nhà kho tâm tưởng và/hay tưởng tượng ra trên tâm trí. Những tâm ảnh này tạo ra những căng thẳng, giục giã ngôn từ với một đà đẩy, được duy trì nhờ một thứ âm nhạc tư duy có từ ngay chính sự chuyển động này.

Nhiều bài thơ trong tập Captive and Temporal được đặt trong thành phố 'sống được' nhất trên thế giới lần thứ 7, Melbourne. Tập thơ mở với bài 'November, end of a street, Melbourne' ('Tháng Mười Một, cuối một phố, Melbourne') -

"Những đảo từ mây góm ghém và gió nhẹ vỗ bờ, ngợp trong nắng sớm, một đường cây, đầy và xanh mướt một kẻ bước trái phép, giữa những dung lượng và khối hình"

Chẳng bao lâu sau đó, thi điệu và bút pháp tập thơ biến đổi với một bài 'thơ liệt kê' (list poem) ẩn mật, chỉ trích giới quyền thế, nói đích danh là 'nhà cầm quyền cao nhất trong vùng' - một thế lực tòa án mải-chìm-trong tơ-tưởng, sẵn sàng buộc tội bị cáo của nó. Và, những thủ pháp biến thể này đã gieo hạt nẩy nầm nội dung tập thơ.

Suốt tập thơ, Hoàng bày biện một tổ hợp những hình ảnh, đa phần là tư riêng (dẫu vài bài trong đó không-phức-tạp). Một trong những thi pháp của anh là trộn lẫn và diễn đạt một cách ấn tượng, rồi ngưng bỏ, cắt một lằn ngang rồi bỏ lửng. Gig Ryan, một nhà thơ/phê-bình ở Melbourne, nhận định rằng với thơ Hoàng, 'nhiều bài hầu như là những bí ẩn về tương tác và triệt thối, trong đó sự giằng co giữa chiêm nghiệm và trải nghiệm đời sống không bao giờ có thể được giải minh'.

Có những lúc, qua thơ-về-thơ ('meta-poetry'), anh cho chúng ta thấy cách anh ta nghĩ về chuyện viết. Một thí dụ: bài 'Autumn Writing' ('Viết Mùa Thu'), một bài thơ lạ, đầy kịch tính, bắt đầu với một câu hỏi khá thông thường -

"Có thể nào mình chỉ đơn giản viết về một đám lửa để làm ấm một buổi sáng,..."

rồi chuyển qua một hình ảnh bất ngờ của một cái đầu lớn -

"Giản dị, chắc nịch, một đầu của một người, một thú di chuyển trong đám cỏ cao-ngang-cổ. Một đầu khác nhắm đích. Mắt căng, tập trung, thở chầm... chậm. Lúc này, trái tim chữ thập (+) Một tiếng, gọn, kim loại."

Vậy đây là cuộc chiến - những người này ẩn núp trong lùm cỏ cao, rình nhau? Hay là một kẻ săn rình thú?

Nó tiếp tục - và đây là mặc khải về quá trình bài viết - "Bài thơ nằm ngoài cái đầu, một khoảng xa. Như cường độ tổn thương đến sọ, máu huyết được bảo dung, những tế bào mềm, những màng óc - những dữ kiện bệnh lý này chưa bao giờ được xem là một phần của ngôn từ mùa thu." Một số bài, như 'Memory Flash' ('Chớp Trí Nhớ'), trực tiếp nói về chiến tranh.

Thơ Hoàng biểu hiện nhiều hình ảnh siêu thực - thí dụ, qua nhiều yếu tố linh hoạt trong 'Quagmire' ('Vũng Lầy') -

"tiếp tục đào xới không tìm khoai tím, ếch cát, mạch nước ma, vết cắn người cổ sử, chỉ là cừu cái [& xương thú chết] và quạ rao ngày mới.

Đôi khi một bò sát đổi hình, đôi khi một cợt đùa hương hoa, một tiếng sấm đập im, những chớp

sáng hừng lên sau những đám mây dầy (Apollinaire có thể nhầm với tình nhân)."

Nhiều nhà thơ Pháp có mặt trong thơ anh - Guillaume Apollinaire, Paul Valery, Charles Baudelaire và, trong những khoảnh khắc siêu thực, có tiếng dội của Andre Breton. Chắc bạn cũng biết, Việt nam dưới quyền đô hộ của Pháp và được biết là Đông Dương từ 1887 đến 1954, khi Việt nam đánh bại Pháp và lấy lại độc lập. Dấu tích từ thời đó hình như có ảnh hưởng. Hoàng cũng có dịch rộng rãi thơ Pháp.

Một số bài trong tập tìm lại - cả với nghĩa đen và trong trí nhớ - Hà nội, bạn cũ, đồng nghiệp, thân mẫu Hoàng, nhớ lại những lần vào rạp chiếu bóng thời mới lớn ở Đà nẵng xem phim hài, cao bồi viễn tây, và một phóng sự lạnh người về Auschwitz.

Có những bài tưởng niệm cảm động về những nhà thơ như Joseph Brodsky, Garcia Lorca, kịch gia Úc Bruce Keller. Và có bốn bài tưởng niệm rất đẹp, đầy tình cảm nhớ về những nhà văn/thơ Việt nam: Thanh Tâm Tuyền, Lê Đạt, Nguyễn Chí Thiện và Phùng Nguyễ̃n.

Trong phần cuối tập thơ, bài 'By accident' phân tích cuốn phim 'Heaven's Gate' của Michael Cimino. Hoàng bảo đúng ra nên đổi tựa là 'Thất Bại Lớn Nhất', nhưng anh tiếp tục viết, về thực dân Mỹ và ảnh hưởng của sự khuếch trương kinh tế từ những nhà tư bản khai thác đất đai đến người di dân và công nhân. Anh nhắc đến một sách của Alexis de Tocqueville (nhà khoa học chính trị và ngoại giao thế kỷ 19), về nền dân chủ Hoa kỳ và chấm dứt bài thơ với một quả quyết -

"Tôi viết đây trong quán cà phê cạnh Thư viện Baillieu, nghĩ đến một sưu tập gia đình kế bên về nghệ thuật Úc, và cảnh nghệ thuật quốc gia này đã chẳng ngang đâu so với Wyoming, hay Naples trên bình diện bạo lực hay xung đột

để rồi tôi nhận nhanh rằng: Không, đó là một phân tích dễ dãi. Tôi phải cố gắng tìm học

một thổ ngữ, chưa chết vì bị quên lãng trên đất này, đúng, một ngôn ngữ, vẫn dùng dù ngược với vận may lịch sử."

Những bài thơ của Hoàng đi khắp hoàn cầu, từ Instanbul đến Chợ Lớn, qua Paris, Moscow đến Việt nam, Canberra, Nam Sydney, rồi trở về phố St Kilda ở Melbourne và đến một đại học trong thành phố đó với 'A dedication poem to my alma mater, Monash' ('Một bài thơ tặng trường cũ của tôi, Monash') -

"Ngôi trường cũ của tôi, tôi nhớ trường khi tôi rớt, chữ 'Rớt' tôi bắt đầu nếm được với trường Môn nào đòi hỏi dùng thước đo, hay cái bàn tính thô sơ thuở đầu. Bởi vì điều may từ những cú sốc khổ nhọc là: Kant, Wittgenstein, Mill và Marx, Peter Singer và Dr C. L. Ten

Chắc hẳn rằng, chỉ với tình yêu, cạnh bên ý nghĩ, đơn thuần, sẽ có được

Những tản bộ đêm, dặm dài, từ nhà ga Clayton về lại sảnh cư xá, từng mảnh bùng lên, niềm hân hoan tuyệt vời."

Sau khi bảo rằng anh sẽ trở lại, khi tuổi già, để được đọc sách dưới cây khuyên diệp trong khuôn viên trường, mấy câu cuối trong bài này nghĩ lại -

"Ta được phép sai và dị, kỳ. Mọi hiền nhân đã qui Đông (sau những vùng núi non) Mọi triết gia tôi từng biết dưới mái trường đã thành giáo sư danh dự."

Nhà lý thuyết gia về truyền thông người Ý Franco 'Bifo' Berardi có nói "Thơ ca là sự mở lại của bất định, một cử chỉ châm biếm của sự vượt quá ý nghĩa vốn đã thiết lập của chữ" và trong tập thơ bao quát và phức tạp này, tôi nghĩ rằng đó là điều Hoàng đang làm. Một ngôn ngữ đặc trưng và đầy sáng tạo trong Captive and Temporal sẽ giúp bạn chú tâm một khoảng thời gian dài. ,p> ------- vi lãng dịch từ bản nguyên tác tiếng Anh

http://linkeddeletions.blogspot.com.au/2017/09/captive-and-temporal-nguyen-tien-hoang.html

Pam Brown là một nhà thơ Úc. Từ 1971, bà đã ra mắt nhiều tập thơ & văn xuôi. Bà cũng có viết nhiều phê bình sách, tiểu luận, văn bản kịch, làm video & phim ảnh. Bà đã từng biên tập cho tạp chí Overland, Jacket, Jacket2, Fulcrum và VLAK Magazine. Thêm vào đó, bà cũng là biên tập khách cho nhiều tạp chí khác như Ekleksographia, Cordite Poetry Review

và Vagabond Press. (http://pambrownbooks.blogspot.com.au/)


Return to Extras or Pam Brown site